Hoài Đức – Khó khăn vì nhiều dự án chậm tiến độ

Tuy nhiên, đến nay, tiến độ thực hiện các dự án KĐT trên địa bàn vẫn rất chậm, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Hoài Đức hiện là địa bàn “điển hình” của dự án chậm tiến độ với nhiều dự án khu đô thị bị om cả chục năm. Thực trạng này gây ảnh hưởng xấu tới bộ mặt của Hoài Đức, gây khó khăn cho canh tác nông nghiệp, môi trường sống và cảnh quan địa phương…
Hầu hết các dự án khu đô thị trên địa bàn huyện Hoài Đức cơ bản đã được chính quyền địa phương thực hiện xong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho chủ đầu tư từ những năm 2005-2008. Tuy nhiên, sau hơn chục năm, các công trình hạ tầng xã hội đều bị chậm tiến độ. Một số dự án quy hoạch phân khu đô thị đã được phê duyệt có ảnh hưởng chồng lấn quy hoạch nhưng chủ đầu tư lại không đề xuất điều chỉnh quy hoạch. Thực trạng này khiến huyện Hoài Đức hiện nay chẳng khác gì một đại công trường dở dang. Những khu dân cư liền kề dự án bị ảnh hưởng nhiều nhất khi phải chịu cảnh hạ tầng không khớp nối, hoặc chưa đồng bộ, trong khi môi trường sống bị ô nhiễm, người dân khó khăn canh tác trên đất nông nghiệp…


Điển hình nhất là xã Di Trạch, địa bàn có tổng diện tích đất là 280ha nhưng có tới 120ha bị thu hồi để làm các dự án Khu đô thị Kim Chung – Di Trạch, Vân Canh, đất dịch vụ, cụm công nghiệp… Sau khi nhường đất cho các dự án, đất nông nghiệp bị co lại chỉ còn khoảng hơn 60ha. Khi tiến hành thu hồi đất, tuy các dự án đã được khớp nối hạ tầng với khu dân cư hiện có nhưng do tiến độ triển khai của một số dự án quá chậm, hoặc mới chỉ san lấp mặt bằng, không khớp nối hạ tầng giao thông, thoát nước, dẫn đến tình trạng ngập úng cục bộ, ứ đọng nước thải… Theo ông Phạm Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Di Trạch, tình trạng ngập úng làm ảnh hưởng đến cây trồng khiến bà con nông dân buộc phải chuyển sang trồng cây ăn quả như ổi, táo, dưa lê… thay vì trồng lúa như trước đây. Tuy nhiên, do không chủ động được nước tưới, tiêu nên cho hiệu quả thấp. Không những thế, tại các khu dân cư, nước thải sinh hoạt không có lối thoát khiến người môi trường sống của khu dân cư cũng ô nhiễm nghiêm trọng…

Một “điển hình” khác là xã An Khánh, nơi có tới 4 dự án khu đô thị. Tình trạng hạ tầng giao thông, thoát nước không đồng bộ khiến một số khu ruộng của người dân thường xuyên bị ứ đọng nước. Khi có mưa lớn, 3 cầu chui đường gom Đại lộ Thăng Long, đường Lê Trọng Tấn qua địa bàn xã bị ngập khiến người dân và phương tiện tham gia giao thông gặp khó khăn… Ngoài ra, An Khánh cũng là địa phương đang chịu vấn đề nan giải về hạ tầng xã hội như trường học, trạm y tế… luôn trong tình trạng quá tải.

Ông Phùng Bá Nhân, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Hoài Đức cho biết, trên cơ sở thực hiện công tác rà soát hồ sơ, thủ tục pháp lý và tiến độ triển khai các dự án trên địa bàn toàn huyện, thời điểm tháng 12/2016, UBND huyện Hoài Đức có nhiều công văn đôn đốc gửi tới một loạt chủ đầu tư các dự án trên địa bàn. Cụ thể: Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị – HUD chủ đầu tư KĐT Vân Canh; Công ty CP đầu tư và phát triển Lũng Lô 5 chủ đầu tư KĐT Nam đường 32; Tổng công ty Thương mại và Xây dựng Bộ Giao thông Vận tải – Viettracimex chủ đầu tư KĐT Kim Chung – Di Trạch; Công ty CP Hà Đô – Bộ Quốc phòng chủ đầu tư KĐT An Khánh – An Thượng; Công ty CP đầu tư phát triển đô thị và KCN Sông Đà – SUDICO chủ đầu tư KĐT Nam An Khánh – khu B… Nội dung công văn yêu cầu các chủ đầu tư tổng hợp toàn bộ hồ sơ pháp lý, hồ sơ quy hoạch dự án; báo cáo tình hình kết quả triển khai và nghĩa vụ tài chính… Tuy nhiên, đến nay, tiến độ thực hiện các dự án KĐT trên địa bàn vẫn rất chậm, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Tình trạng trên đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có giải pháp cụ thể, nghiêm khắc, quyết liệt hơn nữa đối với các dự án không đáp ứng yêu cầu về thời gian, điều kiện – năng lực thực hiện… Ngoài ra, cần có phương án xử lý linh hoạt, phù hợp để các dự án sớm khả thi nhằm lập lại trật tự an ninh, bảo đảm môi trường sống và hạ tầng sản xuất nông nghiệp cho người dân trên địa bàn huyện Hoài Đức.

Related posts:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *